Cách xử lý máy ép chậm bị kẹt dễ dàng, không làm hại máy
Bạn đã biết cách xử lý máy ép chậm bị kẹt một cách dễ dàng và đơn giản mà không làm hại máy chưa? Nếu chưa thì tham khảo trong bài viết này nhé!
Một trong những lỗi phổ biến nhất của máy ép chậm là tình trạng bị kẹt trong khi ép. Việc nhanh chóng và kịp thời xử lý máy ép chậm bị kẹt này sẽ giúp máy ép chậm hoạt động hiệu quả hơn, tránh làm hại máy và kéo dài tuổi thọ.
Nguyên nhân máy ép chậm bị kẹt
Bị kẹt trục ép
Trục ép chính là bộ phận dạng hình xoáy ốc có nhiệm vụ nghiền nát nguyên liệu được đưa vào máy trước khi đẩy chúng xuống phần lưới lọc tách bã.
Nguyên nhân khiến cho bộ phận này bị kẹt, ngừng hoạt động có thể là do bạn đã cho quá nhiều nguyên liệu vào máy cùng lúc, nhất là những loại nguyên liệu nhiều xơ như: cần tây, rau má…hoặc các loại rau củ quá cứng có kích thước lớn cũng gây cản trở đến sự hoạt động của trục ép.
Bị tắc lưới lọc
Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến mà bạn hay phạm phải. Đó là khi cặn bã nhiều nhưng chưa được đẩy ra ngoài kịp thời. Hoặc là khi bạn ép những loại trái cây không phù hợp là những loại trái cây nhiều bột: chuối, bơ, xoài chín. Những loại trái cây này nếu cho vào máy ép sẽ không tạo ra được nhiều nước, hơn nữa, phần bột này sẽ làm tắc lưới lọc.
Bị kẹt nắp
Bị kẹt nắp cũng là một nguyên nhân khi mà chúng ta cho quá nhiều nguyên liệu vào cùng 1 lúc, các loại nguyên liệu nhiều xơ tạo ra lượng bã tồn đọng lớn.
Cách xử lý máy ép chậm bị kẹt
Không phải cứ máy kẹt là chúng ta lại mang đi sửa chữa hoặc bảo hành. Đây là những trường hợp đơn giản mà chúng ta có thể kịp thời khắc phục ngay tại nhà để máy tiếp tục hoạt động.
Cách xử lý máy ép chậm bị kẹt trục ép
Nên ưu tiên những loại nguyên liệu không quá cứng, rau củ không quá già, ít xơ và mọng nước để máy ép chậm hoạt động tốt hơn.
Sơ chế kỹ, cắt nhỏ nguyên liệu, đặc biệt là những nguyên liệu cứng như: cà rốt, ổi nên bỏ hạt… và không nên cho nhiều nguyên liệu vào máy cùng lúc.
Khi bị kẹt trục vít, cần khởi động nút bấm xoay đảo chiều để đẩy phần bã ngược lên trên, cho đến khi hết bị kẹt, hãy dừng động cơ lại và tháo rời máy để bỏ phần bã kẹt ra ngoài.
Cách xử lý máy ép chậm bị tắc lưới lọc
Ngoài việc tích nước ép trong bình chứa đến khi gần đầy mới mở van để nước ép chảy ra thì chúng ta có thể mở van liên tục cho nước ép chảy ra đều đặn. Nếu nhận thấy nước ép có hiện tượng chảy chậm và ít thì nên dừng máy lại, ngắt nguồn điện và tháo ra để kiểm tra.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là những cặn bã nhỏ của nguyên liệu đã bị mắc kẹt tại phần lưới lọc làm tắc dòng nước ép chảy ra. Hãy tháo phần lưới lọc ra để rửa sạch, dùng bàn chảy chà nhẹ nhàng phần lưới lọc để những cặn nhỏ li ti được rửa trôi. Sau khi rửa sạch sẽ và loại bỏ hết cặn bã, vẩy sạch nước và lau khô rồi mới tiếp tục sử dụng. Đồng thời, để cặn bã nhỏ này không đọng lại làm tắc lưới lọc, hãy rửa thật sạch các bộ phận của máy, đặc biệt là phần lưới lọc và những ngóc ngách nhỏ ngay sau mỗi lần sử dụng.
Ngoài ra, để tránh hiện tượng bị tắc lưới lọc, hãy thực hiện ép theo nguyên tắc: cứng, mềm đan xen nhau, ít xơ trước, nhiều xơ sau để phần bã của các nguyên liệu cứng, nhiều xơ sẽ dễ dàng đẩy bã của nguyên liệu mềm ra ngoài.
Cách xử lý may ép chậm bị kẹt nắp
Khi máy bị kẹt do cho quá nhiều nguyên liệu vào cùng lúc thì nắp máy cũng sẽ khó khăn hơn khi tháo ra. Trường hợp này, nút xoay đảo chiều vẫn có tác dụng làm phần nguyên liệu bị đẩy lên và rời rạc hơn, hoặc bạn có thể cho thêm một chút nước, giúp cho việc tháo nắp và các bộ phận khác của máy ra dễ dàng.
XEM THÊM:
>> Những lỗi thường gặp khi dùng máy ép chậm và cách khắc phục
>> Hướng dẫn sử dụng máy ép chậm đúng cách và hiệu quả
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.